Trang chủ » Blog » Những hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu

Những hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu

03/07/2024 - 80

Thblaw.com.vn

-

Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế ở hầu hết các quốc gia trên thế giới kéo theo sự phong phú, đa dạng về số lượng và chất lượng của hàng hoá. Các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến việc củng cố, nâng cấp sản phẩm của chính mình. Cũng chính vì…

Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế ở hầu hết các quốc gia trên thế giới kéo theo sự phong phú, đa dạng về số lượng và chất lượng của hàng hoá. Các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến việc củng cố, nâng cấp sản phẩm của chính mình. Cũng chính vì lẽ đó, trên thị trường xuất hiện nhiều đối tượng kinh doanh lợi dụng uy tín có sẵn của các nhãn hiệu lớn để tạo ra lợi thế bất chính và gây tổn hại đến sự độc quyền và giá trị của nhãn hiệu. 

Thực tế, cạnh tranh là một yếu tố tất yếu của nền kinh tế thị trường. Nhưng cạnh tranh không lành mạnh lại là những hành vi trái với những chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, nhất là hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu có thể gây ra những hậu quả và ảnh hưởng tiêu cực đối với doanh nghiệp và các bên liên quan. Vì vậy, việc xác định đúng và kịp thời đối tượng có dấu hiệu thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu được coi là bước đầu tiên và là điều kiện tiên quyết để triển khai các bước tiếp theo trong quá trình kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm bảo vệ quyền lợi và uy tín của doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng cũng như đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh trong môi trường kinh doanh.

Trên cơ sở của Công ước quốc tế đầu tiên và quan trọng nhất điều chỉnh hoạt động bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp – Công ước Paris năm 1883, cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp bao gồm 3 hành vi: “Hành vi gây ra sự nhầm lẫn; Hành vi làm mất uy tín của đối thủ cạnh tranh; Hành vi có thể lừa dối công chúng”

Trong 3 hành vi nêu trên, có hai hành vi cạnh tranh liên quan đến nhãn hiệu, cụ thể là gây ra sự nhầm lẫn và hành vi có thể lừa dối công chúng. Có thể hiểu theo nghĩa bao quát hơn, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là tất cả các hoạt động hoặc hành động của các doanh nghiệp hoặc cá nhân trong quá trình cạnh tranh kinh doanh mà vi phạm các nguyên tắc và quy định công bằng, minh bạch và đạo đức trong môi trường kinh doanh.

Pháp luật kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu ở Việt Nam hiện nay có cơ chế điều chỉnh dựa trên nền tảng của pháp luật cạnh tranh và pháp luật sở hữu trí tuệ, cụ thể:

  • Hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn

Căn cứ khoản 2 Điều 130 Luật Sở hữu Trí tuệ, chỉ dẫn thương mại có thể được hiểu là các dấu hiệu, thông tin nhằm hướng dẫn thương mại hàng hoá, dịch vụ, bao gồm nhãn hiệu, tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng bao bì của hàng hoá, nhãn hàng hoá.

Về hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn, điểm c Khoản 1 Điều 19 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (TT số 11/2015/TT-BKHCN) quy định:

“Chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn là chỉ dẫn thương mại chứa các dấu hiệu (yếu tố cấu thành, cách trình bày, cách kết hợp giữa các yếu tố, màu sắc, ấn tượng tổng quan đối với người tiêu dùng) trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với chỉ dẫn thương mại tương ứng của chủ thể quyền yêu cầu xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh được sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự.”

Các dạng hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn được quy định tại Khoản 3 Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ là:

  • Hành vi gắn chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn với nhãn hiệu lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện quảng cáo.
  • Hành vi bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu hàng hoá có gắn chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn với nhãn hiệu.
  • Hành vi sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại nước ngoài ở Việt Nam nhưng không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu 

Công ước Paris năm 1883 có một điều khoản quy định về việc cấm người đại diện, đại lý của nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu bất hợp pháp như sau:

Điều 6. Nhãn hiệu: Đăng ký nhãn hiệu dưới tên của người đại diện hoặc đại lý  mà không được chủ nhãn hiệu cho phép

(1) Nếu đại lý hoặc người đại diện của người là chủ nhãn hiệu tại một trong số các nước thành viên của Liên minh vẫn nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho chính mình tại một hoặc nhiều nước thành viên của Liên minh, mà không được sự cho phép của người chủ đó thì chủ nhãn hiệu có quyền phản đối việc đăng ký hoặc đề nghị huỷ bỏ việc đăng ký đó, hoặc, nếu luật quốc gia cho phép, chuyển việc đăng ký đó cho mình, trừ trường hợp đại lý hoặc người đại diện biện hộ được cho hành động của mình.

(2) Người chủ nhãn hiệu, theo các quy định tại khoản (1) nêu trên, có quyền phản đối việc đại lý hoặc người đại diện sử dụng nhãn hiệu của mình nếu không cho phép việc sử dụng đó.”

Tương tự với quy định này, pháp luật Việt Nam cụ thể hóa và xác định rõ hành vi đó là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cụ thể được quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ:

“Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng.”

  • Chiếm hữu, sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ

Thủ tục đăng ký tên miền được thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử, đăng ký trước thì được quyền sử dụng trước, ngoại trừ các tên miền thuộc phạm vi được ưu tiên bảo vệ theo quy định hoặc các tên miền được dành cho đấu giá theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Chủ thể đăng ký tên miền phải chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng tên miền đăng ký theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, không phải hành vi chiếm hữu, sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu cũng được xác định là hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu. Để xác định hành vi đó có phải là hành vi cạnh tranh không lành mạnh không cần căn cứ vào các trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 19 TT số 11/2015/TT-BKHCN:

“Sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” có dãy ký tự trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ hoặc được sử dụng rộng rãi để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, chào hàng, bán hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc có liên quan trên trang thông tin điện tử mà địa chỉ tên miền đó dẫn tới; gây nhầm lẫn và lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng hoặc vật chất đối với chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý đó; hoặc

Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” có dãy ký tự trùng với nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý có uy tín, danh tiếng tại Việt Nam và có căn cứ chứng minh tổ chức, cá nhân chỉ đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng tên miền nhằm bán lại để kiếm lời hoặc cản trở chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đó đăng ký tên miền”

Để chống lại những hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu, các doanh nghiệp nên tiến hành một số biện pháp sau đây:

  • Đăng ký và bảo vệ nhãn hiệu: Tiến hành đăng ký nhãn hiệu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có quyền độc quyền và pháp lý về tên, logo, và các yếu tố nhận dạng khác. Việc nhãn hiệu được bảo hộ sẽ là một cách quan trọng để ngăn chặn người khác sử dụng trái phép hoặc gian lận với thương hiệu của doanh nghiệp.
  • Theo dõi và giám sát thị trường: Theo dõi sự xuất hiện của hàng hóa giả mạo, hàng giả, hoặc các sản phẩm không chính hãng. Giám sát các kênh bán hàng trực tuyến và ngoại tuyến để phát hiện và can thiệp sớm vào các trường hợp vi phạm.
  • Tăng cường giáo dục và nhận thức: Tạo ra chương trình giáo dục và tăng cường nhận thức cho khách hàng, đối tác kinh doanh và công chúng về nhãn hiệu thuộc sở hữu độc quyền của doanh nghiệp. Tăng cường nhận thức về giá trị và chất lượng của sản phẩm của doanh nghiệp có thể giúp ngăn chặn khách hàng sử dụng các sản phẩm không chính hãng.
  • Hợp tác với các cơ quan chức năng và thực hiện biện pháp pháp lý để tiếp cận và giải quyết các trường hợp vi phạm nhãn hiệu.

___________________________ 

Mọi thắc mắc xin liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ :

CÔNG TY LUẬT TNHH THB LAW

Văn phòng đại diện: Số nhà LK03-01, Dự án tổ hợp thương mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp Hải Phát Plaza, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội

Điện thoại: 0836383322

Email: huyenvu@thblaw.com.vn

Bài viết liên quan
Cách tra cứu nhãn hiệu bị trùng hoặc gây nhầm lẫn

Cách tra cứu nhãn hiệu bị trùng hoặc gây nhầm lẫn

Đăng vào ngày: 15/11/2024

Việc đăng ký nhãn hiệu hiện nay là rất quan trọng để tránh tình trạng bị các bên khác lợi dụng và đăng ký trước. Bên cạnh đó, việc tra cứu thông tin nhãn hiệu cũng đóng vai trò quan trọng nhằm tránh việc đăng ký trùng với nhãn hiệu đã được người khác đăng…

Xem thêm
Đăng ký nhãn hiệu đen trắng nhưng lại sử dụng nhãn hiệu màu có được không ?

Đăng ký nhãn hiệu đen trắng nhưng lại sử dụng nhãn hiệu màu có được không ?

Đăng vào ngày: 14/11/2024

Việc đăng ký nhãn hiệu dưới dạng đen trắng nhưng lại sử dụng nhãn hiệu màu là một câu hỏi thường gặp khi thực hiện thủ tục bảo hộ nhãn hiệu. Nhiều ý kiến cho rằng nhãn hiệu đen trắng có phạm vi bảo vệ rộng hơn so với nhãn hiệu màu, trong khi một…

Xem thêm
Tìm hiểu về nhãn hiệu phi truyền thống

Tìm hiểu về nhãn hiệu phi truyền thống

Đăng vào ngày: 19/10/2024

Đi cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật là sự ra đời của các dịch vụ, công nghệ hiện đại. Nhãn hiệu với vai trò phân biệt sản phẩm/ dịch vụ của các doanh nghiệp theo đó cũng vượt ra…

Xem thêm
Đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở đâu ?

Đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở đâu ?

Đăng vào ngày: 18/10/2024

Sở hữu trí tuệ là một vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm trong xã hội ngày nay. Các tác giả cũng dần chú trọng hơn về việc bảo vệ quyền và lợi ích cá nhân từ những sản phẩm trí tuệ hay tác phẩm sáng tạo của mình. Không những thế mà…

Xem thêm