Trang chủ » Blog » 08 điều doanh nghiệp phải biết khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

08 điều doanh nghiệp phải biết khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

17/01/2025 - 17

Thblaw.com.vn

-

1. Đừng nhầm lẫn giữa nhãn hiệu, thương hiệu và tên thương mại Hiện nay, nhiều người vẫn chưa phân biệt rõ ràng giữa nhãn hiệu, thương hiệu và tên thương mại, dẫn đến tình trạng nhầm lẫn và khó khăn khi đăng ký. Thêm vào đó, các quy định pháp lý tại Việt Nam…

Ảnh: Sưu tầm

1. Đừng nhầm lẫn giữa nhãn hiệu, thương hiệu và tên thương mại

Hiện nay, nhiều người vẫn chưa phân biệt rõ ràng giữa nhãn hiệu, thương hiệu và tên thương mại, dẫn đến tình trạng nhầm lẫn và khó khăn khi đăng ký. Thêm vào đó, các quy định pháp lý tại Việt Nam về những vấn đề này, đặc biệt là về thương hiệu và tên thương mại, còn thiếu sự rõ ràng, khiến việc phân biệt trở nên phức tạp.

Nhãn hiệu là một “dấu hiệu” dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Dấu hiệu này có thể là chữ cái, từ ngữ, hình ảnh, hoặc sự kết hợp của các yếu tố này thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Nhãn hiệu được coi là tài sản hữu hình của doanh nghiệp, cần phải được đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Đây là phần “thể xác” của doanh nghiệp, được xây dựng trên nền tảng pháp lý quốc gia.

Thương hiệu là yếu tố nhận diện sản phẩm hoặc dịch vụ, bao gồm cả yếu tố hữu hình và vô hình. Đối với doanh nghiệp, thương hiệu không chỉ là dấu hiệu trên sản phẩm mà còn là hình ảnh về chất lượng và nguồn gốc trong mắt người tiêu dùng. Thương hiệu là một tài sản vô hình vô cùng quý giá, và đối với các công ty lớn, giá trị thương hiệu có thể chiếm một phần lớn trong tổng giá trị doanh nghiệp (theo định nghĩa của WIPO – Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới). Thương hiệu là “linh hồn” của doanh nghiệp, và để xây dựng nó, ngoài việc đăng ký với cơ quan nhà nước, còn cần sự công nhận từ người tiêu dùng.

Tên thương mại là tên gọi mà tổ chức hoặc cá nhân sử dụng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt với các chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực hoặc khu vực.

2. Những việc “nên” hoặc “không nên” khi đặt tên nhãn hiệu

Nên Không nên
1. Đặt tên nhãn hiệu đáp ứng các điều kiện sau:

– Phải là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc;

– Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.

2. Tên nhãn hiệu phải dễ đọc, dễ viết, dễ phát âm, dễ nhớ và phù hợp với mục đích quảng cáo trên tất cả các phương tiện truyền thông.

– Không được đặt tên nhãn hiệu có các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với:

1. Hình quốc kỳ, quốc huy của các nước.

2. Biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép; 

3. Tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài. Ví dụ: tên nhãn hiệu không được trùng với các vị anh hùng dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 4. Dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;

5. Doanh nghiệp cũng không được đặt tên nhãn hiệu có dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.

– Ngoài ra, nhãn hiệu cũng không được công thức, chữ cái, hình học …hoặc mô tả sản phẩm/dịch vụ, công dụng, tính năng sản phẩm… (Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ)

3. Cần làm gì trước khi đăng ký nhãn hiệu?

Trước khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp cần phải thực hiện việc “Tra cứu nhãn hiệu” một cách chính xác tránh trường hợp nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đã đăng ký trước đó.

Ngoài ra, việc tiến hành tra cứu khả năng đăng ký nhãn hiệu còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí khi đăng ký và giảm thiểu rủi ro.

Doanh nghiệp có thể trực tiếp tra cứu thông tin về các nhãn hiệu đã có chủ sở hữu hoặc đã được nộp đơn đăng ký từ các nguồn sau đây:

  1. Công báo Sở hữu công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ phát hành hàng tháng;
  2. Đăng bạ quốc gia và Đăng bạ quốc tế về nhãn hiệu hàng hoá (lưu giữ tại Cục Sở hữu trí tuệ);
  3. Cơ sở dữ liệu điện tử về nhãn hiệu hàng hoá công bố trên mạng Internet tại địa chỉ:

– Đối với tra cứu nhãn hiệu quốc gia: http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WSearch.php

– Đối với tra cứu nhãn hiệu quốc tế: http://www.wipo.int/branddb/en/

Doanh nghiệp cũng có thể sử dụng dịch vụ tra cứu thông tin của một đại diện sở hữu công nghiệp.

4. Vấn đề cần lưu ý khi đăng ký nhãn hiệu

– Yêu cầu cần thiết để 1 nhãn hiệu được đăng ký như sau:

+ Mẫu nhãn hiệu không quá 8 x 8 cm, File, .jpg, .Png.

+ Thông tin người nộp đơn:

Chủ đơn: Thông tin chủ đơn cần được thể hiện rõ tại Ô số 2 của Tờ khai đăng ký nhãn hiệu sản phẩm. Đối với chủ đơn là cá nhân, kê khai tên họ đầy đủ; địa chỉ cần được ghi chính xác vì tất cả thông báo, liên hệ và văn bằng bảo hộ đều được gửi về địa chỉ mà chủ đơn cung cấp. Đối với chủ đơn là doanh nghiệp, tổ chức, cần kê khai đầy đủ tên doanh nghiệp theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; địa chỉ là địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp.

Đại diện của chủ đơn: Chủ đơn, cần kê khai đầy đủ thông tin về Đại diện của chủ đơn tại Ô số 3 của Tờ khai đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và đánh dấu x vào Ô thích hợp về địa vị pháp lý của người đại diện này.

+ Thông tin các nhóm hàng hóa/dịch vụ cho nhãn hiệu cần đăng ký:

Để có thể phân nhóm và xác định chính xác các sản phẩm/dịch vụ đúng theo quy định pháp luật. Quý thành viên cần có Bảng phân loại quốc tế về nhãn hiệu Ni-xơ (Nice). Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đang áp dụng Bảng phân loại Nixơ phiên bản 11 năm 2019.

– Thời gian đăng ký nhãn hiệu: Theo qui định, qui trình thẩm định đơn nhãn hiệu trải qua các giai đoạn sau:

+ Thẩm định hình thức (01-02 tháng);

+ Công bố Đơn trên Công báo (02 tháng từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ);

+ Thẩm định nội dung (Không quá 09 tháng, kể từ ngày công bố đơn);

+ Cấp và công bố Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (01-02 tháng).

Tuy nhiên, trên thực tế thời hạn này có thể nhanh hơn hoặc chậm hơn tuỳ thuộc vào số lượng đơn nộp vào Cục tại thời điểm xét nghiệm (tầm 16 -18 tháng mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu). Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ, và có thể được gia hạn liên tiếp nhiều lần, mỗi lần là 10 năm.

– Phí, lệ phí đăng ký.

5. Sử dụng nhãn hiệu

Doanh nghiệp sau khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu thì có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu đó. Trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng liên tục từ 05 năm trở lên thì quyền sở hữu nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực.

Ý nghĩa của chữ R, TM, và C với sản phẩm dịch vụ:

– ™ (Trademark): nghĩa là nhãn hiệu, là những ký hiệu để phân biệt sản phẩm dịch vụ hoặc của chính một công ty này với một công ty khác. Một nhãn hiệu chưa được đăng ký cũng có thể được doanh nghiệp gắn TM lên đó. Cho nên, nếu có tranh chấp về nhãn hiệu thì cá nhân, tổ chức sử dụng sản phẩm nhãn hiệu TM (™) sẽ không được bảo vệ quyền lợi giống như sản phẩm mang ký hiệu (®).

– ® (Registered): có ý nghĩa là đã được đăng ký bảo hộ với cơ quan nhà nước (nhưng chưa được cấp bản quyền).

– © (Copyright): nghĩa là bản quyền, đã bao gồm quyền sử dụng và quyền sở hữu đối với một sản phẩm, dịch vụ hay một ý tưởng nào đó. Nghiêm cấm tất cả mọi tổ chức, cá nhân sử dụng một sản phẩm, dịch vụ hay một ý tưởng nào đó nếu chưa được sự đồng ý của người sở hữu.

Khác với Trademark và Registered chỉ sử dụng trong lĩnh vực kinh doanh, Copyright áp dụng cho tất cả những nơi có sự xuất hiện của sáng tạo, của tác giả, của người tạo ra tác phẩm/ ý tưởng/ thông tin…

6. Ủy quyền/tái ủy quyền

– Ủy quyền: Chủ đơn có thể tự mình hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam tiến hành thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ. Đại diện hợp pháp ở đây có thể là:

Đối với tổ chức Việt Nam, tổ chức nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam:

+ Trường hợp chủ đơn là cá nhân: người đại diện theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền của chủ đơn, tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp theo uỷ quyền của chủ đơn;

+ Trường hợp chủ đơn là tổ chức: người đại diện theo pháp luật của chủ đơn hoặc người thuộc tổ chức được người đại diện theo pháp luật của chủ đơn uỷ quyền; tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (theo uỷ quyền của chủ đơn); người đứng đầu văn phòng đại diện hoặc đứng đầu chi nhánh tại Việt Nam (nếu chủ đơn là tổ chức nước ngoài).

Đối với tổ chức nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam: thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (theo ủy quyền của chủ đơn).

– Tái uỷ quyền: Tái uỷ quyền là việc người nhận quyền uỷ quyền lại cho người thứ ba – bên nhận tái uỷ quyền; Việc tái uỷ quyền làm phát sinh quan hệ uỷ quyền thứ cấp giữa bên nhận uỷ quyền với bên nhận tái uỷ quyền, song song tồn tại với quan hệ uỷ quyền giữa chủ đơn với bên nhận uỷ quyền; Có thể tồn tại quan hệ uỷ quyền đa cấp nếu người nhận tái uỷ quyền tiếp tục tái uỷ quyền cho người khác.

Việc tái uỷ quyền có thể được thực hiện nhiều lần, với điều kiện người nhận uỷ quyền và người nhận tái uỷ quyền phải là tổ chức, cá nhân được phép đại diện nêu trên. Việc uỷ quyền cho các chủ thể không được phép đại diện bị coi là vô hiệu, kể cả trường hợp sau đó người được uỷ quyền tái uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân được phép đại diện.

– Nội dung giấy ủy quyền: Việc uỷ quyền/tái ủy quyền phải được thể hiện thành văn bản (giấy uỷ quyền) và có nội dung chủ yếu sau:

+ Tên (họ tên), địa chỉ đầy đủ của bên uỷ quyền và bên được uỷ quyền;

+ Tên (họ tên), địa chỉ đầy đủ của bên nhận thay thế uỷ quyền hoặc bên nhận tái uỷ quyền (nếu có);

+ Phạm vi uỷ quyền, khối lượng công việc được uỷ quyền;

+ Thời hạn uỷ quyền (giấy uỷ quyền không có thời hạn chỉ chấm dứt hiệu lực khi bên uỷ quyền tuyên bố chấm dứt uỷ quyền);

+ Ngày ký giấy uỷ quyền;

+ Chữ ký (ghi rõ họ tên, chức vụ và con dấu, nếu có) của người đại diện hợp pháp của bên uỷ quyền (và của bên nhận thay thế uỷ quyền, bên nhận tái uỷ quyền, nếu có).

– Thời điểm lập giấy ủy quyền:

Giấy uỷ quyền được lập muộn hơn ngày nộp đơn vẫn được coi là hợp lệ, không ảnh hưởng tới ngày nộp đơn, với điều kiện phải được nộp bổ sung trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nộp đơn; riêng đối với đơn khiếu nại thời hạn nêu trên là 10 ngày.

7. Căn cứ xác định sự vi phạm nhãn hiệu:

– Xét trong cùng một nhóm ngành nghề kinh doanh hoặc kênh tiêu thụ.

– Yếu tố màu sắc, trật tự cấu trúc sắp xếp, bố trí các yếu tố trong nhãn hiệu.

– Ngữ nghĩa của nhãn hiệu.

Cụ thể, không nên đặt tên một nhãn hiệu mà khi đọc “ngược lại” nghĩa của nó giống như tên một nhãn hiệu đã có trước đó. Ví dụ: trên thị trường đã có sản phẩm Gối “yêu thương” đã được đăng ký bảo hộ rồi thì khi các doanh nghiệp sản xuất Gối khác không được đặt tên nhãn hiệu cho sản phẩm của mình là Gối “thương yêu” nữa. Vì nghĩa của chúng như nhau sẽ gây ra nhầm lẫn cho người tiêu dùng; tuy nhiên, trường hợp tên nhãn hiệu hai sản phẩm này nó có khả năng phân biệt với nhau như thiết kế khác nhau thì nó vẫn không vi phạm.

Hoặc dịch nghĩa nhãn hiệu từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt như: sản phẩm A có tên tiếng Anh là “The Moon” (đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam) thì ở Việt Nam nếu đặt tên sản phẩm cùng nhóm kinh doanh với sản phẩm A mà có tên nhãn hiệu là “mặt trăng” (nghĩa của từ “The Moon”) sẽ bị coi là vi phạm.

– Phiên âm nhãn hiệu.

8. Một số lưu ý khác

– Mỗi nhãn hiệu mà doanh nghiệp muốn đăng ký bảo hộ sẽ không được bảo hộ cho tất cả các loại sản phẩm, dịch vụ trên thế giới mà chỉ được bảo hộ trong phạm vi vùng đăng ký và ở một số các hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp liệt kê ra (trừ trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng, nhãn hiệu được thừa nhận rộng rãi; các nhãn hiệu này không cần phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mà chỉ cần làm thủ tục để được công nhận là biết đến rộng rãi thì vẫn được bảo hộ).

– Số lượng hàng hóa/dịch vụ trên thực tế luôn nhiều hơn những gì được liệt kê trong bảng phân loại. Nếu doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm chưa có trong bảng phân loại và thực hiện phân nhóm cho hàng hóa đó không chính xác sẽ dẫn đến việc đơn của doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh lại làm kéo dài thời gian đăng ký.

Cho nên, doanh nghiệp khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm thì nên mở rộng mặt hàng và phạm vi đăng ký của mình để tránh trường hợp phải đăng ký bổ sung thêm hoặc tranh chấp không đáng có.

Để được tư vấn chi tiết hơn, quý khách vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH THB LAW

Văn phòng đại diện: Số nhà LK03-01, Dự án tổ hợp thương mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp Hải Phát Plaza, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội

Điện thoại: 0836383322

Email: huyenvu@thblaw.com.vn

Website: thblaw.com.vn

Bài viết liên quan
Cách phân loại các sản phẩm thuộc quyền sở hữu trí tuệ

Cách phân loại các sản phẩm thuộc quyền sở hữu trí tuệ

Đăng vào ngày: 14/01/2025

Căn cứ vào Công ước WIPO và Hiệp định TRIPS đã xác định, các quốc gia là thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, có quy định về quyền sở hữu trí tuệ trong từng quốc gia thành viên và đều có những điểm chung là dựa trên các đặc điểm…

Xem thêm
Chủ sở hữu nhãn hiệu nên làm gì để ngăn cản việc nộp đơn không trung thực ?

Chủ sở hữu nhãn hiệu nên làm gì để ngăn cản việc nộp đơn không trung thực ?

Đăng vào ngày: 03/01/2025

Việt Nam là quốc gia tuân theo nguyên tắc “First to file” – “ai nộp đơn trước người đó có quyền” nên để tránh trường hợp bị đăng ký trên cơ sở “thiếu trung thực” và quá trình phản đối/hủy bỏ tốn kém cả thời gian, tiền bạc, Chủ sở hữu nhãn hiệu cần tiến…

Xem thêm
Tìm hiểu về nhãn hiệu chứng nhận

Tìm hiểu về nhãn hiệu chứng nhận

Đăng vào ngày: 24/12/2024

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Dựa vào đặc điểm của nhãn hiệu, có thể phân thành các loại: nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu liên kết và nhãn hiệu nổi tiếng….

Xem thêm
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài

Đăng vào ngày: 20/12/2024

Khi doanh nghiệp muốn xuất khẩu hoặc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, thường có xu hướng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại các quốc gia xuất khẩu. Theo quy định, doanh nghiệp có ba phương thức chính để đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài:…

Xem thêm