Trang chủ » Blog » Các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật

Các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật

12/02/2025 - 10

Thblaw.com.vn

-

Điều 9 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Tổ chức, cá nhân có quyền áp dụng các biện pháp pháp luật cho phép để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình, đồng thời có trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác theo quy định của pháp luật.”…

Điều 9 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Tổ chức, cá nhân có quyền áp dụng các biện pháp pháp luật cho phép để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình, đồng thời có trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác theo quy định của pháp luật.” Như vậy, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là việc chủ thể quyền sử dụng các biện pháp pháp lý nhằm bảo vệ quyền đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ, ngăn chặn và xử lý hành vi xâm phạm để đảm bảo quyền lợi hợp pháp.

Quyền sở hữu trí tuệ có thể được bảo vệ thông qua các biện pháp hành chính, dân sự và hình sự. Nhà nước và chủ sở hữu quyền có thể áp dụng các biện pháp phù hợp để ngăn chặn vi phạm và xử lý khi có hành vi xâm phạm xảy ra. Các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:

1. Biện pháp tự bảo vệ của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ

Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:

  • Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
  • Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại. Việc yêu cầu thực hiện bằng cách thông báo bằng văn bản cho người xâm phạm. Trong văn bản thông báo phải có các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, Văn bằng bảo hộ, phạm vi, thời hạn bảo hộ và phải ấn định một thời hạn hợp lý để người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm.
  • Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc yêu này phải được thực hiện tuân theo các quy định về:
  • Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm
  • Tài liệu, chứng cứ, hiện vật, kèm theo đơn yêu cầu xử lý xâm phạm
  • Chứng cứ chứng minh chủ thể quyền
  • Chứng cứ chứng minh xâm phạm
  • Trách nhiệm của người yêu cầu xử lý xâm phạm
  • Nộp đơn và giải quyết đơn yêu cầu xử lý xâm phạm
  • Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Biện pháp tự bảo vệ được quy định cụ thể tại Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ. Với biện pháp này chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền tự mình áp dụng các biện pháp như: áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại…

Ưu điểm của biện pháp tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là thể hiện tính chủ động của chủ thể quyền trong việc lựa chọn biện pháp và cách thức giải quyết, không bị ràng buộc bởi các thủ tục pháp lý phức tạp. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, do không phải chờ sự can thiệp từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài ra, biện pháp này còn đảm bảo tính bảo mật thông tin liên quan đến quá trình giải quyết tranh chấp, tránh những ảnh hưởng không mong muốn đến danh tiếng hoặc hoạt động kinh doanh của chủ sở hữu quyền. Tuy nhiên, hiệu quả của biện pháp này phụ thuộc vào sự hợp tác của bên vi phạm. Nếu bên vi phạm không tự nguyện chấp hành, chủ thể quyền không thể cưỡng chế thực hiện mà phải tìm đến các biện pháp pháp lý khác để bảo vệ quyền lợi của mình.

2. Biện pháp bảo vệ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện

Theo quy định pháp luật hiện hành, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam có thể bị xử lý bằng các biện pháp hành chính, dân sự hoặc hình sự.

Khi phát hiện hành vi xâm phạm, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể gửi thư cảnh báo đến bên vi phạm, thông báo về hành vi xâm phạm và yêu cầu chấm dứt vi phạm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nếu các bên không thể giải quyết thông qua thỏa thuận, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể áp dụng một trong các biện pháp sau:

a. Biện pháp dân sự

Biện pháp này được áp dụng để xử lí hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lí bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự. Thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp dân sự, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp dân sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Tòa án áp dụng các biện pháp sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:

  • Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
  • Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
  • Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
  • Buộc bồi thường thiệt hại;
  • Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Theo yêu cầu của nguyên đơn, biện pháp khắc phục tạm thời theo quy định của Luật tố tụng dân sự cũng có thể được áp dụng bởi các tòa án khi cần thiết và với mục đích tránh sự phát tán của các sản phẩm vi phạm. Đặc biệt, có thể kết hợp một hoặc nhiều các biện pháp sau:

  • Phong tỏa các tài khoản hoặc các tài sản;
  • Cấm bị đơn/người xâm phạm tiến hành một hành động nhất định;
  • Yêu cầu đối với việc áp dụng các biện pháp tạm thời, chủ sở hữu trí tuệ được yêu cầu phải có chứng từ bảo lãnh của ngân hàng.

Ngoài ra, pháp luật cho phép chủ thể quyền sở hữu trí tuệ yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên, tòa án chỉ quyết định áp dụng biện pháp này trong những trường hợp nhất định. Ưu điểm của biện pháp khẩn cấp tạm thời là thể hiện bản chất dân sự của quan hệ sở hữu trí tuệ, giúp xử lý triệt để hành vi xâm phạm. Biện pháp này có thể được sử dụng để bảo vệ chứng cứ và ngăn ngừa thiệt hại kịp thời, đồng thời tạo cơ sở cho chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ yêu cầu bồi thường thiệt hại thông qua cơ quan thi hành án dân sự. Tuy nhiên, biện pháp này cũng có những hạn chế, bao gồm thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian và chi phí. Hơn nữa, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể gặp khó khăn trong việc thu thập và cung cấp bằng chứng để chứng minh hành vi xâm phạm.

b. Biện pháp hình sự

Biện pháp hình sự là biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định là tội phạm theo thủ tục tố tụng hình sự. Biện pháp hình sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm trong trường hợp hành vi đó có đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự. Khi hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng của cá nhân, tổ chức là hành vi nguy hiểm cho xã hội cấu thành tội phạm thì cá nhân, tổ chức đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc áp dụng biện pháp hình sự thuộc thẩm quyền của toà án.

Bộ luật Hình sự 2015 quy định các tội danh và hình phạt tương ứng nhằm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ gồm:

  • Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan: Điều 225
  • Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp: Điều 226
  • Tội sản xuất, buôn bán hàng giả: Điều 192
  • Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm: Điều 193
  • Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh: Điều 194
  • Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi: Điều 195
  • Tội lừa dối khách hàng: Điều 198

Ưu điểm của biện pháp này là khả năng chấm dứt dứt khoát hành vi xâm phạm, tạo hiệu ứng răn đe đối với các hành vi vi phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý tương tự, đồng thời có cơ chế cưỡng chế thi hành quyết định một cách hiệu quả. Tuy nhiên, biện pháp này cũng tồn tại những hạn chế nhất định. Quá trình tố tụng thường kéo dài, không đảm bảo tính bảo mật trong quá trình giải quyết vụ việc. Trên thực tế, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hình sự vẫn còn nhiều hạn chế do những bất cập trong quy định của pháp luật hình sự.

c. Biện pháp hành chính

Biện pháp hành chính là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, cá nhân, tổ chức khác bị thiệt hại do hành vi xâm phạm hoặc phát hiện hành vi xâm phạm có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm. Khi xử lý hành chính, tùy vào hành vi xâm phạm mà cơ quan có thẩm quyền xử phạt cảnh cáo hay phạt tiền và áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, khắc phục.

Tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ dưới đây bị xử phạt vi phạm hành chính:

– Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội;

– Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này. Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ bao gồm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý và hàng hoá sao chép lậu

+ Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

+ Hàng hoá sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.

– Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.

Ưu điểm của biện pháp này là thủ tục đơn giản, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, biện pháp này mang lại hiệu quả trong việc chấm dứt ngay hành vi xâm phạm, góp phần bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Tuy nhiên, biện pháp này cũng có một số hạn chế. Chế tài xử phạt còn nhẹ, có thể không đủ sức răn đe đối với các hành vi xâm phạm tương tự. Bên cạnh đó, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ gặp nhiều khó khăn trong việc yêu cầu bồi thường thiệt hại từ chủ thể có hành vi xâm phạm.

d. Biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ

Bên cạnh 03 biện pháp nêu trên, chủ sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu cơ quan hải quan áp dụng các biện pháp biên giới với cáo buộc hàng hóa vi phạm, dù là hàng hóa nhập khẩu hay xuất khẩu qua biên giới Việt Nam.

Cơ quan hải quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ. Cụ thể, cơ quan hải quan áp dụng hai biện pháp: tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đây được coi là biện pháp kịp thời mà chủ sở hữu trí tuệ có thể sử dụng để ngăn chặn hành vi vi phạm và cần phải có đầy đủ chứng cứ chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp, cung cấp đầy đủ thông tin để xác định hàng hóa bị xâm phạm. Tuy nhiên, chủ sở hữu trí tuệ có thể phải đối mặt với nguy cơ bị kiện lại nếu không chứng minh và đưa ra được các chứng cứ cho việc hàng hóa của họ bị xâm phạm.

Chủ sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu cơ quan hải quan áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới sau:

  • Kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
  • Đình chỉ thủ tục hải quan theo yêu cầu của chủ sở hữu trí tuệ trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan, nếu có lý do chính đáng thì thời hạn này có thể kéo dài, nhưng không được được quá 20 ngày làm việc.
  • Đối với các yêu cầu cơ quan Hải quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới, chủ sở hữu trí tuệ có nghĩa vụ:
  • Chứng minh rằng họ là chủ sở hữu trí tuệ;
  • Cung cấp đầy đủ thông tin để xác định hàng hoá/ sản phẩm xuất nhập khẩu đã xâm phạm;
  • Gửi yêu cầu áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới và nộp lệ phí theo quy định của pháp luật;
  • Bồi thường thiệt hại do việc áp dụng các biện pháp biên giới

Nếu có vấn đề thắc mắc hoặc cần được hỗ trợ, quý bạn đọc vui lòng liên hệ qua:

________________________________

CÔNG TY LUẬT TNHH THB LAW

Văn phòng đại diện: Cà phê A+, LK03-01 Đường Tố Hữu, KĐT Roman Plaza Hải Phát, Phường Đại Mỗ, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Điện thoại: 0836383322

Email: huyenvu@thblaw.com.vn

Website: thblaw.com.vn

Bài viết liên quan
Sử dụng phần mềm không có bản quyền bị phạt bao nhiêu tiền

Sử dụng phần mềm không có bản quyền bị phạt bao nhiêu tiền

Đăng vào ngày: 05/02/2025

Bước vào kỷ nguyên số, vấn đề vi phạm bản quyền đang ngày càng gia tăng và là vấn đề rất phổ biến, điều này đã gây ra những rắc rối cho các cá nhân và tổ chức. Phần lớn có rất nhiều trường hợp vi phạm họ đều nhận thức được hành vi vi…

Xem thêm
Khi nào thì nên đăng ký quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài ?

Khi nào thì nên đăng ký quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài ?

Đăng vào ngày: 05/12/2024

Quyền sở hữu trí tuệ đã và đang khẳng định được vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển hiện nay. Và yếu tố quyết định để có thể đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đó chính là thời gian, không chỉ với đăng ký bảo hộ trong nước mà…

Xem thêm
Ưu và nhược điểm của các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Ưu và nhược điểm của các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Đăng vào ngày: 31/10/2024

Hiện nay, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái diễn ra phổ biến, tràn lan, đặc biệt là tình trạng xâm phạm về nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp. Các hình thức xâm phạm này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp và cá…

Xem thêm
Đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở đâu ?

Đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở đâu ?

Đăng vào ngày: 18/10/2024

Sở hữu trí tuệ là một vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm trong xã hội ngày nay. Các tác giả cũng dần chú trọng hơn về việc bảo vệ quyền và lợi ích cá nhân từ những sản phẩm trí tuệ hay tác phẩm sáng tạo của mình. Không những thế mà…

Xem thêm